Laws of UX - Những nguyên tắc thiết kế UX mà các UX/UI Designer cần biết (Phần 2)
Ở bài viết phần 1, chúng ta đã tìm hiểu qua 5 định luật: Aesthetic-Usability Effect, Doherty Threshold, Fitts’s Law, Hick’s Law, Jacob’s Law
Ở bài viết lần này, chúng ta cùng tìm hiểu tiếp các định luật:
- Miller's Law
- Parkinson's Law
- Tesler's Law
- Occam's Razor
- Postel's Law
- Pareto Principle
Định luật Miller
Năm 1956, nhà tâm lý học George Miller nhận thấy rằng:
Trí nhớ ngắn hạn của con người có thể nhớ được trung bình khoảng 7 đơn vị thông tin.
Tuy nhiên điều quan trọng của định luật này không nằm ở con số 7 mà nó nói lên rằng trí nhớ ngắn hạn của con người có giới hạn.
Người thiết kế cần phân các đơn vị thông tin thành từng nhóm có nghĩa để giúp người dùng xử lý và nhớ các thông tin dễ dàng hơn
Định luật Parkinson
Năm 1955, nhà nghiên cứu Cyril Northcote Parkinson chỉ ra rằng:
Càng phân bổ nhiều thời gian, nguồn lực quá mức cần thiết cho một nhiệm vụ thì nhiệm vụ đó sẽ
càng bị trì hoãn, kéo dài, kém hiệu quả.
Giao diện và luồng hoạt động cần được thiết kế để giúp người dùng thao tác nhanh chóng, dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ của họ.
Nếu người dùng cảm thấy mất quá nhiều thời gian, họ sẽ bỏ cuộc.
Định luật Tesler
Vào thập niên 1980, nhà khoa học máy tính Larry Tesler chỉ ra rằng:
Trong mọi hệ thống sẽ luôn có một mức độ phức tạp nhất định không thể nào giảm đi được.
Vì vậy, định luật này còn được gọi là định luật bảo toàn sự phức tạp.
Muốn giảm bớt sự phức tạp cho phía người dùng thì ở phía người phát triển sẽ cần phải tốn nhiều thời gian và công sức hơn để giải quyết sự phức tạp của hệ thống.
Quy tắc loại trừ của Occam
Vào khoảng đầu thế kỷ 14, triết gia William xứ Ockham đề ra quy tắc loại trừ:
Khi có nhiều giả thuyết (hypothesis) cho một vấn đề thì nên chọn giả thuyết đơn giản,
ít giả định (assumption) hơn.
Người thiết kế cần tránh chọn những giải pháp phức tạp, cân nhắc loại bỏ tối đa các thành phần không cần thiết trên giao diện.
Định luật Postel
Năm 1989, nhà khoa học máy tính Jon Postel chỉ ra rằng:
Hệ thống cần tuân thủ quy chuẩn, đảm bảo sự chính xác khi gửi thông tin
nhưng cần linh hoạt khi tiếp nhận thông tin.
Ứng dụng trong thiết kế giao diện:
Giúp người dùng tự động điền và xử lý các thông tin nhập vào theo đúng định dạng để người dùng có thể thoải mái, linh hoạt nhất khi nhập thông tin.
Nguyên lý Pareto
Năm 1906, nhà kinh tế học Vilfredo Pareto nhận thấy một quy luật mà sau này còn được gọi là nguyên lý 80/20:
Trong rất nhiều trường hợp, khoảng 80% kết quả đến từ 20% nguyên nhân.
Ví dụ, 80% người dùng chỉ cần 20% tính năng của sản phẩm.
Người thiết kế cần nghiên cứu những tính năng mà đa số người dùng thật sự cần để tập trung tối ưu và phát triển nó.
---
Nội dung được bảo chứng kiến thức bởi Anh. Lê Minh Quang - Giảng viên khóa học Figma UI Design tại Keyframe.
Bài viết được biên soạn & thiết kế minh họa bởi Keyframe Team.
Bạn có thể xem lại phần 1 của bài tại: https://keyframe.vn/bai-viet/laws-of-ux-nhung-nguyen-tac-thiet-ke-ux-ma-cac-uxui-designer-can-biet-phan-1-38.html