Design Thinking là gì? Quy trình 5 bước trong Design Thinking
Design Thinking hay Tư duy thiết kế là thuật ngữ không mới. Tuy nhiên với các bạn mới bắt đầu theo ngành UI/UX thì còn tương đối lạ lẫm với quy trình này.
Vậy nên trong bài viết này, hãy cùng Keyframe tìm hiểu về định nghĩa cũng như quy trình 5 bước trong Design Thinking nhé:
Design Thinking là gì?
Thuật ngữ Design Thinking được phát triển từ năm 1940 với những nghiên cứu tâm lý của Max Wertheimer trong cuốn “Productive Thinking”, đây được cho là nền tảng của Design Thinking.
Cho đến nay, có thể giải thích cơ bản rằng “Design Thinking là một quá trình sáng tạo những giải pháp nhằm giải quyết vấn đề của người dùng một cách tối ưu nhất”. Quá trình này sẽ “lấy con người làm trung tâm”, nghĩa là họ sẽ nghiên cứu về hành vi của người dùng (user) thực sự tương tác với sản phẩm hoặc dịch vụ, thay vì họ tự “suy diễn” rằng họ sẽ tương tác với sản phẩm hoặc dịch vụ đó ra sao.
Trong ngành UX/UI Design, mô hình Design Thinking được áp dụng rất nhiều trong quá trình làm product.
Quy trình 5 bước trong Design Thinking
Ngày nay có rất nhiều biến thể của quá trình thực hiện Design Thinking nhưng ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu về mô hình gồm 5 giai đoạn do d.school tại Đại học Stanford đề xuất:
1. Empathize (Thấu hiểu)
Trong giai đoạn đầu tiên này, chúng ta sẽ quan sát user để hiểu sâu hơn về cách họ tương tác với sản phẩm hoặc vấn đề.
Bạn có thể sử dụng phương pháp xây dựng Empathy Mapping để hiểu hơn về user của mình.
2. Define (Xác định)
Từ những dữ liệu thu thập được ở bước 1, chúng ta sẽ tổng hợp lại, phân tích chúng để xác định vấn đề trọng tâm nhất để giải quyết.
Trong giai đoạn này, xây dựng User Journey Map (sơ đồ hành trình của người dùng) giúp bạn xác định tất cả vấn đề mà user có thể gặp phải trong quá trình tương tác với sản phẩm của bạn
3. Ideate (Ý tưởng)
Khi bạn trải qua hai bước đầu tiên của quy trình, ở bước Ideate là đưa ra càng nhiều ý tưởng phù hợp, mới mẻ và sáng tạo càng tốt. Đây được xem là giai đoạn thú vị nhất khi rất nhiều ý tưởng được sinh ra.
Nhưng khi kết thúc quá trình này, bạn sẽ chỉ chọn ra một vài ý tưởng để tiếp tục.
4. Prototype (Dựng bản mẫu)
Trong thiết kế UI/UX, prototype của một giao diện được dùng để thực hiện các thử nghiệm với người dùng trước khi chúng ta chuyển bản thiết kế thành code, tạo ra sản phẩm được sử dụng chính thức.
Từ những idea được chọn lọc ở bước 3, các bản Prototype được tạo ra nhàm mục đích “visual hóa” các ý tưởng để xem nó được user sử dụng, tương tác như thế nào.
5. Test (Kiểm tra)
Khi bạn đã tạo 1 bản Prototype, hãy đem đến cho người dùng, quan sát cách họ tương tác với nó, thu thập các phản hồi để từ đó nghiên cứu, tinh chỉnh cho sản phẩm được hoàn thiện hơn.
Nếu bạn may mắn (aka trời độ), bạn có thể tạo ra một sản phẩm hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên. Tuy nhiên trên thực tế, bước này thường lặp đi lặp lại nhiều lần, liên tục thử nghiệm và thu thập phản hồi từ người dùng để cải tiến chất lượng sản phẩm cuối cùng.
Kết luận lại
Design Thinking không phải là một quy trình tuyến tính, mà nó là một quy trình lặp đi lặp lại liên tục cho tới khi sản phẩm giải quyết được hoàn toàn vấn đề của khách hàng.
Khi kết thúc giai đoạn thứ năm, bạn có thể sẽ phải quay lại một số giai đoạn khác. Có lúc bạn sẽ quay lại giai đoạn 4 để phát triển một Prototype khác. Hoặc nếu bạn đã xác định sai “insight” của người dùng, bạn sẽ phải quay lại giai đoạn đầu tiên của quy trình.
---
Nội dung được bảo chứng kiến thức bởi Anh. Lê Minh Quang - Giảng viên khóa học Figma UI Design tại Keyframe.
Bài viết được biên soạn & thiết kế minh họa bởi Keyframe Team.