Phân biệt Raster và Vector trong thiết kế đồ họa
Khái niệm raster và vector khác nhau cơ bản là ở độ phân giải, số lượng chi tiết của chúng và nơi chúng được sử dụng. Bất kể bạn đang là một graphic designer non trẻ, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm hay một khách hàng đang tìm kiếm cho mình một nhà thiết kế phù hợp thì điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt nhỏ giữa chúng và khi nào nên làm việc với chúng.
Đầu tiên hãy đi đến ý nghĩa của từng loại.
Raster là gì?
Raster là một dạng cấu trúc dữ liệu đồ họa kỹ thuật số được tạo ra từ các pixel được sắp xếp trên lưới. Pixel là một hình vuông có màu sắc được tạo ra từ sự kết hợp của ánh sáng đỏ, lục và lam.
Nếu bạn đã từng chơi, hoặc từng thấy qua trò chơi xếp hình thì raster là một kiểu như thế. Khi nhìn gần sát thì chúng là những mảnh ghép tựa như hình vuông, nhưng càng lùi về xa thì bức tranh tổng thể sẽ bật lên bởi sự sắp đặt của các mảnh ghép nhỏ.
Một trong những phần mềm đồ họa tiêu biểu sử dụng raster đó chính là Adobe Photoshop. Bất cứ hình ảnh nào được tạo ra bằng các công cụ trên Photoshop sẽ là tập hợp của nhiều raster.
Raster phụ thuộc vào độ phân giải, tức là số lượng pixel cố định hiển thị trên hình ảnh. Điều đó có nghĩa hình ảnh raster không thể được thay đổi kích thước mà không xảy ra hiện tượng biến dạng, xuất hiện hiện tượng răng cưa. Đó là lý do khi phóng to một bức ảnh lên thì tấm ảnh sẽ càng mờ, càng mất đi chi tiết.
Hình ảnh Raster thường gắn liền với các loại tệp như .BMP, .GIF, .JPEG, .PNG và .TIFF, .RAW, .PSD. Hầu hết tất cả hình ảnh bạn thấy trên Internet và hình ảnh được chụp bằng các thiết bị kỹ thuật số đều là hình ảnh raster.
Vector là gì?
Vector là một dạng cấu trúc dữ liệu đồ họa kỹ thuật số được tạo ra theo thuật toán toán học và có thể mở rộng, kéo dãn, uốn cong vô hạn.
Có 3 yếu tố cấu thành nên vector đó là: điểm (point), đường (line,polyline), và đa giác (polygon). Bạn có thể tạo ra vô số điểm và nối chúng lại với nhau thành các đường, nối các đường đóng kín lại với nhau được các hình đa giác. Lưu ý rằng định dạng vector chỉ hiển thị khi chúng ta mở chúng bằng phần mềm đồ họa vector, nổi tiếng nhất chính là Adobe Illustrator.
Do tính chất mở rộng vô hạn nên hình ảnh vector không bị “bể” khi phóng to, thu nhỏ ở mọi mức độ. Cũng chính nhờ khả năng đó nên người ta ưu tiên sử dụng vector để thiết kế cho các dự án in ấn.
So sánh Raster và Vector
Khi đem 2 khái niệm raster và vector lên cùng bàn cân, ta có được một số so sánh như sau:
1. Khả năng mở rộng, tính chi tiết
Ảnh vector không mất đi độ nét dù bạn zoom in zoom out, thay đổi kích bước bao nhiêu lần đi chăng nữa.
Ngược lại, ảnh raster sẽ bị mờ và vỡ pixel khi phóng to quá mức so với kích thước mặc định của ảnh
2. Kích thước file
Dù vector có thể mở rộng vô hạn nhưng do vector được tạo ra dựa trên thuật toán nên dung lượng của một tệp vector thường nhẹ hơn tệp ảnh raster
3. Định dạng File
Đối với file dạng vector, bạn cần phần mềm chuyên dụng như Adobe Illustrator để mở và chỉnh sửa.
Một số định dạng file vector như: .PDF, .EPS, .AI, .SVG
Với file dạng raster thì ngược lại, có khá nhiều ứng dụng, phần mềm hỗ trợ xem. Và hầu hết các hình ảnh ta thấy trên web/app đều là ảnh raster.
Một số định dạng file raster như: .JPG, .GIF, .PNG, .TIFF, .RAW, .PSD
4. Tính ứng dụng
Nhìn chung vector và raster đều có những đặc điểm và mục đích riêng trong quá trình sử dụng. Điều quan trọng là bạn phải biết lựa chọn phù hợp để sử dụng trong từng dự án.
Đồ họa vector thường được sử dụng trong ngành in ấn bởi có thể thay đổi kích thước mà vẫn giữ nguyên chất lượng ảnh. Sự đơn giản và khả năng mở rộng vô hạn khiến vector trở nên phổ biến đối với thiết kế nhận diện thương hiệu.
Raster thì rất phù hợp để sử dụng trong chỉnh sửa hình ảnh bởi cấu thành từ pixel. Raster phù hợp với thiết kế banner, poster quảng cáo trên nhiều nền tảng khác nhau. Và bất khả dĩ raster vẫn có thể in ấn được nhưng bạn cần đảm bảo chất lượng ảnh thật tốt (300dpi) để có bản in ổn nhất.
---
Bài viết được tổng hợp, biên soạn và thiết kế minh họa bởi Keyframe Team.
Nếu bạn là người mới, muốn học Graphic Design từ cơ bản đến nâng cao. Thì hãy tham khảo ngay chương trình học Graphic Design Toàn Diện này. Hiện đang tuyển sinh lớp ban ngày và lớp buổi tối: https://keyframe.vn/cth/chuong-trinh-hoc-thiet-ke-do-hoa-2d-graphic-design-1.html